CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH ĐẾN VỚI KIM ĐÔNG DƯƠNG

Chỉ huy quân đánh phía Đông vào Mường Thanh, bắt sống tướng De Castries trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1975, Tư lệnh trưởng Lê Trọng Tấn lại chỉ huy các binh đoàn đánh phía Đông vào Dinh độc lập, bắt sống tướng Dương Văn Minh.

Le-Trong-Tan-5587-1411544302.jpg

Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ảnh tư liệu.

Hội thảo "Đại tướng Lê Trọng Tấn, nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam" do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 23/9 nhận được nhiều tham luận của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các nhà nghiên cứu và nhân chứng lịch sử. "Thời thế tạo ra anh hùng, nhưng anh hùng lại góp phần tạo ra thời thế. Đại tướng Lê Trọng Tấn là một trường hợp như vậy"đại tá Trần Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự Việt Nam nhận định.

Theo đại tá Long, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đại tướng Lê Trọng Tấn gắn liền với những chiến công và các bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều trận đánh, chiến dịch mang tầm chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược như: Biên giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954), Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị Thiên (1972), Đà Nẵng (1975), Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975… đều in đậm dấu ấn của tướng Lê Trọng Tấn, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Tướng Lê Trọng Tấn là một trong những tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của Quân đội ta".

Sinh ngày 1/10/1914 trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội), Lê Trọng Tấn (khai sinh là Lê Trọng Tố) sớm giác ngộ cách mạng, tham gia mặt trận Việt Minh năm 1944. Ông tham gia vào Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, phụ trách Quân sự khi Cách mạng tháng 8 nổ ra. Cách mạng thành công, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Lê Trọng Tấn lần lượt giữ các chức vụ: Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng trung đoàn Sơn La (trung đoàn 148), quyền Khu trưởng khu 14, Khu phó liên khu 10, Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy trung đoàn 209, Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312 khi mới 36 tuổi.

Bắt sống tướng De Castries

Đại tá Trần Văn Thức, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Pháp (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) cho biết, Lê Trọng Tấn được mệnh danh là tướng trận, tướng tấn công. Ông đi đến đâu, chỉ huy chiến dịch nào, mũi tiến công vào đâu, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ của các quân đoàn đều đoàn kết một lòng, tin tưởng, vững tâm vào trận đánh. 

Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng bộ đội chủ lực của ta gồm 3 đại đoàn và một trung đoàn bộ binh (đại đoàn 308 gồm 3 trung đoàn, đại đoàn 312 với 3 trung đoàn và đại đoàn 316 với hai trung đoàn). Theo kế hoạch tác chiến lúc đầu, trong 3 đêm 2 ngày, Đại đoàn 312 do Lê Trọng Tấn chỉ huy phải liên tục đột phá 3 phòng tuyến mạnh của địch từ phía Bắc xuống Mường Thanh. Mặc dù đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nhưng ông vẫn chỉ huy chiến sĩ hoàn thành.

Trong khi cán bộ, chiến sĩ nóng lòng chờ lệnh nổ súng tấn công thì chiều 26/1/1954, Đại đoàn nhận được lệnh ngừng nổ súng theo phương án ban đầu, chuyển phương châm đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Ông Lê Trọng Tấn lại phải làm nhiệm vụ khó khăn là giải thích cho chiến sĩ hiểu quyết định đột ngột nêu trên, từ đó kéo pháo quay trở ra.

Đại đoàn 312 sau đó được Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch. Sau thắng lợi này, Đại đoàn tiếp tục được lệnh bám sát địch để đón thời cơ tổng công kích. Chiều 7/5/1954, một đơn vị của Đại đoàn 312 do ông Lê Trọng Tấn chỉ huy đã tiến công vào Sở chỉ huy của Pháp, bắt sống tướng De Castries cùng Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau này, De Castries cho biết, ông ta tự hào được làm bại tướng dưới tay Lê Trọng Tấn và đại đoàn của ông.

Le-Trong-Tan-2-8789-1411472258.jpg

Ba vị tướng Hoàng Đan, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp (lần lượt từ trái sang). Ảnh tư liệu.

Tiến vào dinh độc lập, bắt sống tướng Dương Văn Minh

Trình bày tham luận "Đại tướng Lê Trọng Tấn, vị tư lệnh của nhiều chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước", đại tá Hoàng Xuân Nhiên (khoa Chiến lược Học viện Quốc phòng) cho hay, năm 1964, khi hình thái chiến tranh bắt đầu có những biến đổi lớn cả về mặt chính trị, quân sự, cả ở đô thị, nông thôn và vùng rừng núi, Mỹ buộc phải chuyển hướng chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”. Tướng Lê Trọng Tấn và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đặc phái vào miền Nam “giải bài toán” đánh Mỹ.

Vào chiến trường, tướng Lê Trọng Tấn đảm nhiệm cương vị Phó tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam với bí danh Ba Long, đồng thời ông trực tiếp làm tư lệnh của nhiều chiến dịch... Với thắng lợi lớn từ đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên, làm suy sụp tinh thần chế độ Việt Nam Cộng hòa và quân đội Sài Gòn, Bộ Chính trị chỉ thị nhanh chóng đánh chiếm Huế, Đà Nẵng và tướng Lê Trọng Tấn được chỉ định làm tư lệnh cả hai chiến dịch.

Thắng lợi liên tiếp của hai chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng đã phá tan âm mưu co cụm chiến lược của địch, không cho chúng rút lực lượng về phòng thủ xung quanh Sài Gòn. Tháng 4/1975, tướng Lê Trọng Tấn được cử làm Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông (gồm quân đoàn 2, quân đoàn 4, sư đoàn 3) tấn công vào Sài Gòn. 

Theo kế hoạch chiến dịch Hồ Chí Minh, 5h30 sáng 30/4/1975, các hướng đồng loạt nổ súng tiến công vào nội đô TP Sài Gòn, hang ổ cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa. Nhưng với óc phán đoán, phân tích chiến lược, trung tướng Lê Trọng Tấn đã đề nghị Quân ủy cho cánh quân của mình nổ súng trước các hướng khác. Lý do là lực lượng ta còn cách vùng ven từ 15 đến 20 km, phải vừa đánh địch vừa tiến quân, lại phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ không đến kịp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ đã chuẩn y cho cánh quân phía Đông đánh vào 18h chiều 29/4 theo lời đề nghị của trung tướng Lê Trọng Tấn, sớm hơn giờ G 12 tiếng. Cánh quân của tướng Lê Trọng Tấn là lực lượng khai hỏa đầu tiên và cũng là một trong những lực lượng tiến vào Sài Gòn sớm nhất, tiến vào chiếm giữ dinh Độc Lập và bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Việt Nam cộng hòa, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với hai chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ và tổng tấn công năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần anh hùng".

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tướng Lê Trọng Tấn tiếp tục “ra trận” nhưng trên cương vị mới. Ông vừa là Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa là Viện trưởng Viện Khoa học quân sự kiêm Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp Bộ Quốc phòng (nay là Học viện Quốc phòng). Ông cho tập trung chất xám, kinh nghiệm chiến trường của tư lệnh các binh đoàn để cùng nhau góp sức xây dựng giáo trình giảng dạy. 

Khi chính quyền Khmer đỏ của Pol Pot tiến hành cuộc chiến tranh lấn chiếm biên giới Tây Nam, tháng 12/1978, tướng Lê Trọng Tấn được giao trọng trách chỉ huy các lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ biên giới. Tháng 2/1979, ông lại được điều về Tổng hành dinh, cùng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo cuộc chiến đấu chống xâm lược ở biên giới phía Bắc.

"Với tài năng quân sự xuất chúng và những chiến công hiển hách lập được, đại tướng Lê Trọng Tấn được coi là một trong những tướng trận giỏi nhất Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những cán bộ, chiến sĩ từng được vinh dự chiến đấu dưới quyền chỉ huy của đại tướng Lê Trọng Tấn thì cảm phục, suy tôn ông là Giucov của Việt Nam", đại tá Nguyễn Huy Thục nói. 

n thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự (Bộ Quốc phòng) thì cho rằng, trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, đại tướng Lê Trọng Tấn được xem là vị tướng đánh trận giỏi nhất.

"Đối với toàn quân, đồng chí Lê Trọng Tấn là một người chỉ huy kiên cường lỗi lạc. Đối với riêng tôi, đồng chí là người bạn chiến đấu thân thiết, là một trong những cán bộ tin cậy nhất để thực hiện những ý đồ chiến lược của Bộ thống soái tối cao", Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết.

Hoàng Thùy

ĐỐI TÁC

BIDV VietcomBank